Từ câu chuyện sẵn sàng vứt hàng triệu USD “đập đi xây lại” tới hành trình cải tiến sản phẩm tại MISA

“Không hiểu sao MISA lại có thể làm ra được những sản phẩm tinh tế, tỉ mỉ, ít lỗi vặt, nhiều tính năng mà chất lượng lại ổn định như vậy. Tao thấy làm cho đúng, đủ các tính năng đã vất lắm rồi”, đó là câu nói mà một người bạn là dân làm phần mềm chuyên nghiệp của anh Nguyễn Quang Hoàng – Giám đốc An ninh Thông tin MISA – đã nói với anh trong một buổi cà phê cách đây vài năm. Theo anh Hoàng, đây không phải lần đầu tiên anh được nghe những nhận xét như vậy từ dân trong ngành công nghệ và từ khách hàng về chất lượng sản phẩm của MISA. Tuy nhiên, để có được kết quả như ngày hôm nay là điều không hề dễ dàng.  

Trong hành trình làm sản phẩm của mình, không phải lúc nào MISA cũng làm ra được những sản phẩm thành công như mong đợi. Đã có không ít sản phẩm phải đập đi làm lại nhiều lần, đã có hàng triệu USD “ném qua cửa sổ” để sửa lỗi, nâng cấp hoặc thậm chí bỏ đi một sản phẩm thì mới có được ngày hôm nay.

Anh Hoàng nhớ lại, khoảng năm 2016 – 2017 – giai đoạn đầu làm sản phẩm phần mềm bán hàng CukCuk (khi đó anh Hoàng là Giám đốc Trung tâm Phát triển Phần mềm của MISA), các anh đứng trước bài toán làm thế nào để phần mềm có thể chạy “mượt mà” trên tất cả các thiết bị như máy PC, laptop, máy tính bảng và điện thoại di động để các chủ nhà hàng có thể dùng được mọi lúc, mọi nơi. Khi giải bài toán này, đội ngũ kỹ thuật đã nghiên cứu không được đầy đủ và nhanh chóng mắc một sai lầm mà phần lớn các lập trình viên khi đó thường vấp phải, đó là nghĩ ngay tới công nghệ Cross Platform (công nghệ đề cập đến khả năng triển khai ứng dụng trên nhiều nền tảng khác nhau). Khi lựa chọn công nghệ của ứng dụng Cross Platform để làm sản phẩm, chỉ trong vòng 6 – 8 tháng, đôi ngũ làm CukCuk đã cho ra mắt phiên bản đầu tiên của sản phẩm này. Tuy nhiên, khi phần mềm được đưa ra thị trường thì bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề bất cập.

Trước những bất cập của phiên bản CukCuk đầu tiên, ban lãnh đạo MISA đã có một quyết định dũng cảm, chấp nhận vứt bỏ phiên bản này để làm phiên bản thứ hai hướng đến mục tiêu trải nghiệm của khách hàng phải được tốt nhất có thể và việc triển khai cài đặt phần mềm dễ dàng hơn với đội ngũ nhân viên kinh doanh.

Với nhân viên kinh doanh, việc triển khai cho khách hàng rất khó khăn do công nghệ này yêu cầu phức tạp trong việc cài đặt. Với khách hàng sử dụng phần mềm này, do công nghệ Cross Platform làm một lần chạy được tất cả các nền tảng nên không giúp sản phẩm tối ưu được trên bất cứ một thiết bị nào. Vì vậy, khách hàng gặp nhiều trải nghiệm không hài lòng khi sản phẩm dùng không được “mượt” trên tất cả thiết bị.

Trước những bất cập trên, ban lãnh đạo MISA đã có một quyết định dũng cảm, chấp nhận vứt bỏ phiên bản CukCuk đầu tiên để làm phiên bản thứ hai hướng đến mục tiêu trải nghiệm của khách hàng phải được tốt nhất có thể và việc triển khai cài đặt phần mềm dễ dàng hơn với đội ngũ nhân viên kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chấp nhận “vứt hàng triệu USD qua cửa sổ”, bỏ công nghệ cũ và lựa chọn công nghệ mới, đánh đổi nhiều mất mát về nguồn lực để tập trung làm phiên bản mới chất lượng hơn. Sản phẩm CukCuk phiên bản mới sau đó đã hoàn toàn giải quyết được các bất cập trên và nhận được nhiều phản hồi hài lòng từ khách hàng cũng như đội ngũ nhân viên kinh doanh MISA. Đây cũng là sản phẩm chiến lược đầu tiên đưa MISA bước ra thị trường thế giới.

Tương tự, sản phẩm MISA ASP để có được thành công như ngày hôm nay, trở thành nền tảng kế toán dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam, đạt giải thưởng Sao Khuê 2023 ở hạng mục Nền tảng chuyển đổi số xuất sắc, thì cũng từng phải tạm dừng để xây lại.

Sản phẩm kế toán dịch vụ MISA ASP đạt giải thưởng Sao Khuê năm 2023 ở hạng mục Nền tảng chuyển đổi số xuất sắc.

Hồi đó, sản phẩm ra phiên bản đầu tiên nhưng chưa được như mong đợi và nhận nhiều ý kiến phản hồi từ phía khách hàng. Để cải tiến sản phẩm, đội ngũ làm dự án đã được phân thành các nhóm đi gặp trực tiếp khách hàng là các đơn vị kế toán dịch vụ để khảo sát và thấu hiểu những khó khăn, bất cập mà họ đang gặp phải trong quá trình sử dụng phần mềm. Phương pháp Design Thinking cũng được ứng dụng sâu trong quá trình nâng cấp sản phẩm. Kết quả, phiên bản mới của MISA ASP đã mang lại thành công ngoài mong đợi cho khách hàng, giúp họ gia tăng năng suất gấp 10 lần, khác biệt hoàn toàn so với phiên bản đầu tiên.

Một trong những sản phẩm được xem là thành công nhất và đánh dấu bước chuyển mình của MISA là phần mềm kế toán MISA SME dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là sản phẩm phiên bản .NET đầu tiên của MISA, thành công trên cả hai phương diện: công nghệ và sự tăng trưởng bứt phá về doanh thu. Tuy nhiên, anh Hoàng cho hay, trong quá trình xây dựng sản phẩm này, đội ngũ lập trình viên đã quá tập trung giải quyết các vấn đề kỹ thuật mà bỏ qua bài toán về thói quen sử dụng của người dùng… khiến sản phẩm phát sinh một số vấn đề chưa như ý và phải dừng việc phát hành 2 tháng để cập nhật theo các góp ý từ phòng Kinh doanh, Tư vấn cũng như khách hàng thử nghiệm.

Hai tháng cập nhật sản phẩm là hai tháng toàn bộ dự án tập trung nguồn lực để chạy đua tiến độ do sai lầm của giai đoạn trước đó. Hầu như không hôm nào đèn công ty tắt trước 10h tối. Khi phát lệnh dừng phát hành dự án để cập nhật lại sản phẩm, có người đã rơm rớm nước mắt nhưng sau đó cũng hiểu rằng việc định hình lại sản phẩm là việc bắt buộc tại MISA để doanh nghiệp có thể đi xa hơn và tạo ra các sản phẩm với phiên bản tốt nhất phục vụ khách hàng.

Theo anh Hoàng, để có được nhiều sản phẩm thành công và chiếm lĩnh thị trường như ngày hôm nay là nhờ MISA đã xây dựng được một nền móng vững chắc từ những triết lý và giá trị cốt lõi trong làm sản phẩm cùng với quy trình phát triển phần mềm và quản lý chất lượng bài bản, liên tục cập nhật. Có 5 triết lý nổi bật trong làm sản phẩm của MISA mà dân kỹ thuật như anh Hoàng đã thuộc “nằm lòng” từ lâu, đó là: Sản phẩm phải vượt mong đợi của khách hàng; liên tục thay đổi, cải tiến; phải có đội ngũ làm sản phẩm tốt; quy trình làm sản phẩm tốt; và kỷ luật trong việc làm sản phẩm. MISA có thể đầu tư hàng triệu đô-la để làm sản phẩm nhưng nếu sản phẩm đó không đạt chất lượng thì sẵn sàng “đập đi làm lại”, không vì tiếc tiền đầu tư mà đem bán để ảnh hưởng đến thương hiệu và khách hàng.